Tác giả : Moacyr Scliar
Dịch giả : Trịnh Lữ
Nhà xuất bản Văn học
Kể từ khi đọc Isabel Allende và sau đó là G.G.Marquez, dù còn ít tuổi, tôi đã có một ấn tượng sâu đậm về nền văn học huyền ảo châu Mỹ La tinh – những tác phẩm xinh đẹp theo một cách rất lạ lùng. Hầu như mọi tác phẩm đến từ nền văn học này ít hay nhiều đều mang đến cho tôi cảm giác ấy. Và hôm nay tôi đã có may mắn được bổ sung vào vốn đọc hạn chế của mình thêm một cái tên đẹp đẽ khác, ấn tượng khác : Con nhân mã ở trong vườn của Moacyr Scliar. Moacyr Scliar là một nhà vật lý trở thành nhà văn, ông là một cái tên nổi tiếng của văn học Brazil. Tác phẩm đầu tiên đưa tên tuổi ông vượt ra khỏi biên giới quê nhà có tên Max and the Cats, chính tác phẩm này đã ảnh hưởng khiến Yann Martel đã viết nên Life of Pi.
Con nhân mã ở trong vườn có nhân vật chính là một chàng nhân mã. Nhân mã, như chúng ta đều biết, là mẫu nhân vật huyền thoại, hay xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp và những tác phẩm mang hơi hướm huyền ảo. Tùy theo từng tác phẩm, chúng được mô tả với các nét tính cách khác nhau, nhưng đa phần là hung tợn, hoang dã, một số đặc biệt thông thái. Nhìn chung, nhân mã là nhân vật huyền thoại tương đối đẹp đẽ. Moacyr Scliar cũng kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về nhân mã, có điều anh không phải là một huyền thoại, anh cũng không làm nên huyền thoại, anh là một con nhân mã rất bình thường, tên Guedali. Điều bất thường duy nhất : Guedali sinh ra trong một xã hội con người, một xã hội hiện đại, một phạm trù không dung nạp khái niệm nhân mã ở dạng thực thể. Vậy nên, bi kịch của con nhân mã Guedali bắt đầu.
Bạn có thể khác biệt, bạn có thể nổi bật, nhưng hãy khác biệt trong giới hạn, đó là thông thiệp của xã hội loài người. Giới hạn đó là gì thì lại có đủ các cách diễn tả khác nhau, chẳng cái nào thực sự chính xác, ngoại trừ việc bạn vượt qua giới hạn và thế là hậu quả của việc đó sẽ đến ngay lập tức. Bởi sinh ra dưới hình dạng nửa người nửa ngựa, Guedali đã vượt qua giới hạn ấy quá xa. Người mẹ không thể chịu đựng được cú shock đã trầm cảm suốt một thời gian dài, người anh trai chối bỏ sự tồn tại của cậu em, người bố cũng trầm uất, đau đớn không kém, ông thầy lễ thì kinh tởm, sợ hãi, trong khi vị bác sĩ từ kinh ngạc chuyển sang hứng thú với cậu như một thứ kì quái thú vị… Guedali phải sống trong sự che giấu của cả gia đình, nơm nớp lo sợ bị phát hiện, lúc nào cũng dằn vặt vì cơ thể mình. Moacyr Scliar rất biết cách xoáy sâu vào bi kịch. Một cách rất thực tế, ông đi từ những chi tiết nhỏ nhất, bất chợt nhất, như việc cả nhà đang vui vẻ thì cậu nhân mã quẫy đuôi làm đổ vỡ đồ đạc. Chỉ trong một giây, nỗi đau lại đổ xuống Guedali như dòng thác Victoria, nhanh đến mức chính người đọc như tôi cũng không kịp chống đỡ.
Song Guedali không phải kẻ bất hạnh toàn diện. Cha mẹ và hai chị sau cú shock ban đầu đã vô cùng yêu thương anh. Tôi thực sự cảm thấy ấm lòng trước sự bảo bọc, chở che và cả lòng can đảm ở những con người ấy. Đôi khi, tôi có cảm giác họ sẵn sàng chống lại cả thế giới để bảo vệ đứa con tội nghiệp. Hình dáng kì lạ của Guedali chỉ khiến người thân đau buồn thay cho anh chứ không bớt yêu thương đi. Có lẽ nhờ vậy, Guedali đã có một tuổi thơ tương đối hạnh phúc, yên ả trong vòng tay gia đình. Thế nhưng, một ngày, chàng nhân mã trẻ tuổi vẫn quyết định ra đi. May mắn đã mỉm cười khi Guedali tìm thấy Tita, một nhân mã cái…
Ở một vị trí hoàn toàn khác biệt, nhân mã Guedali với hành trình cố gắng gia nhập thế giới con người đã làm nổi bật lên các giá trị của chính xã hội ấy. Bản thân nhân vật Guedali có vẻ là một khối đầy mâu thuẫn. Anh muốn thành người, rồi lại muốn trở về lốt nhân mã, rồi lại người, rồi lắm lúc lại là nhân mã. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, phản ứng của anh chỉ nằm trong sự tương tác với xã hội loài người. Chính những mối dây liên hệ với cái khối khổng lồ đầy điều mâu thuẫn ấy đã khiến con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn của Guedali trở nên vô cùng phức tạp. Khi còn là nhân mã, Guedali tin rằng, chỉ cần là con người, mọi thứ sẽ ổn thỏa, hạnh phúc sẽ đến. Song khi đã người, anh nhận ra, vẫn còn những điều không vui, chỉ là theo một cách khác đi. Chúng ta không muốn trở nên quá khác biệt đến mức thành tách biệt, nhưng cũng chẳng muốn quá đồng bộ đến mức chìm lấp trong cái thế giới mấy tỉ người này, cho nên, đôi khi, chúng ta muốn những cuộc phiêu lưu, nhỏ thôi, khác biệt tí tẹo thôi, để thấy rằng bản thân đã không thành một con kiến trong xã hội loài kiến, lít nhít và giống nhau như lột. Điều Guedali muốn cũng không khác là bao. Chính cuộc sống loài người sau khi đã thành một phần trong nó khiến Guedali lẫn Tita cảm thấy nhàm chán. Kèm theo các thứ chia cách không lời khác, họ dần rời xa nhau… Có lẽ vì vậy, đến cuối truyện, thay vì hoang mang không biết đâu là thế giới hạnh phúc của mình, nhân mã hay con người, Guedali và Tita đã chọn lối sống thỏa hiệp, bằng lòng với hạnh phúc yên ả của một cuộc sống bình thường, rồi thỉnh thoảng, phóng đi trên đồng cỏ cuộc đời tìm kiếm chút phiêu lưu…
"Như con ngựa có cánh sắp cất vó bay lên về phía những ngọn núi hoan lạc vĩnh hằng, về phía bộ ngực của Abraham. Như con ngựa với những bộ móng đang nhảy múa, sẵn sàng phi nước đại qua thảo nguyên. Như con nhân mã ở trong vườn, sẵn sàng nhảy qua tường rào để tìm kiếm tự do."
Như hầu hết các tác phẩm cùng thể loại, Moacyr Scliar kết hợp rất nhuần nhuyễn các yếu tố hiện thực và huyền ảo. Không dễ để chia tách chúng ra, cũng như lắm lúc, thật thành ảo, ảo thành thật. Trong cái huyền ảo, ta tìm thấy quy luật tất yếu của cuộc sống thực, vậy nên cái huyền ảo ấy không trở nên xa lạ. Guedali không phải Cheiron của Hy Lạp, cũng không phải một nhân vật của J.K. Rowling, anh ta hoàn toàn có thực, nỗi đau của anh ta tuy xuất phát từ một nguyên do huyền bí nhưng cảm giác đau vẫn vô cùng thực. Và hành trình đi tìm hạnh phúc, đi tìm cái tôi của anh cũng là hành trình mà mỗi con người chúng ta đều đi trong cuộc đời, dù không sinh ra là một nhân mã. Hơn thế nữa, qua tác phẩm của mình, Moacyr Scliar đã chỉ ra rằng, không cứ nhất thiết là nhân mã Guedali, hay nhân sư Lolah, trên thế giới rộng lớn này, vẫn luôn có những tạo vật kì lạ, đẹp đẽ, nhưng vô cùng mong manh. Một nàng nhân sư hùng mạnh và đẹp tuyệt vời như Lolah vẫn bị đày đọa rồi chết tức tưởi dưới tay con người, cuối cùng bị quên lãng. Vậy đấy, giá mà con người biết mở lòng hơn, biết thông cảm hơn, biết hạ các thứ rào cản định kiến xuống thấp hơn, biết bao điều kì diệu có thể sẽ xảy ra. Được vậy, biết đâu, một ngày tươi sáng nào đó, chúng ta sẽ thấy những đôi nhân mã duyên dáng cùng phi nước kiệu trong công viên gần nhà, họ thật xinh đẹp biết bao. Và, con người chúng ta cũng vậy.
chiemphong